Đại Chiến Mì Tôm Vs Cháo Bánh Canh

CHƯƠNG 1: CHÁO CANH, MÌ TÔM VÀ MÙI GẮT NẮNG Ở QUẢNG BÌNH

Quảng Bình trưa đó nóng đến mức nếu thả cái trứng xuống vỉa hè chắc nổ bụp một phát rồi chín luôn. Nắng quét qua mặt đường như ai lấy bàn ủi đè lên trán. Hơi nước từ sông Nhật Lệ bốc lên tạo thành thứ ảo ảnh trôi lững lờ như mồ hôi của mấy thằng đàn ông hết thời.

Quán cháo bánh canh của Cô Như nằm nép dưới bóng cây phi lao già khụ. Bảng hiệu gỗ nứt nẻ treo xiêu vẹo, trên đó có hàng chữ được viết bằng sơn trắng đã bong tróc: “Cháo bánh canh Cô Như – Cháo ngon, tình đậm.”

Nam Chính ngồi bệt trên cái ghế nhựa đã lõm một bên vì nắng, tay vân vê điếu thuốc đã tắt, mắt nhìn ra biển. Hắn đã từng đi nhiều nơi, ăn nhiều món, nhưng cái khung cảnh này—nó vừa nhếch nhác vừa chân thành—làm hắn thấy mình đang sống, ít ra là sống một cách tạm bợ, như những thằng đàn ông khác từng thất bại nhưng vẫn đang cố gồng mình sống tiếp.

Ngồi đối diện hắn là thằng em họ tên Hoàng. Vừa mới ra trường, mặt nhìn non búng ra sữa, mặc quần short, dép tổ ong, áo Manchester United màu đỏ, mắt lúc nào cũng long lanh như thể cuộc đời này đang có cái gì đáng mong đợi lắm, biểu hiện của lũ non xanh chưa trải sự đời. Nó vừa về Quảng Bình từ Gia Lai, vùng đất của chi mô răng rứa, của gió biển và cát trắng.

Hoàng đặt xuống bàn hai tô cháo bánh canh, khói bốc lên lẫn với mùi hành phi và nước cá lóc.

“Anh ăn đi, ngon lắm. Cô Như nấu bằng xương ống, cá lóc đồng, không có Ajinomoto đâu.”

Nam Chính nhìn tô cháo với đôi mắt vô hồn. Hắn không nói gì, chỉ rút từ túi ra gói mì tôm Hảo Hảo.

“Cho xin tô nước sôi đi, Cô Như” hắn nói, giọng ồm ồm lạnh lùng.

Cô Như từ trong bếp ló đầu ra, tay còn cầm cái vá. Ánh mắt bà ta có gì đó như vừa khinh bỉ vừa tò mò, như kiểu nhìn một thằng đang mặc vest đi tập gym.

“Mì tôm? Trời ơi, trời đất ơi. Cháo tôi nấu cả sáng, sao không ăn?”

Ánh mắt Nam Chính sắc lẹm, giọng trầm như lời cảnh báo cuối cùng của một kẻ đã chán cháo thèm mì.

“Cháo canh là thứ sợi thẳng tuột màu trắng, nhàm chán và nhạt nhẽo. Mì tôm có sợi màu vàng, có cấu trúc uốn éo như DNA, nó là phát minh đỉnh cao của nhân loại.”

Hoàng bật cười, to đến mức mấy con chó phía sau quán cũng sủa theo.

“Anh nói gì vậy? Cháo canh là nghệ thuật. Cháo canh là yêu thương. Là sự nhẹ nhàng trong cái thế giới thô ráp này.”

Cô Như bỗng nhiên nhìn Hoàng như thể phát hiện ra một viên ngọc giữa bãi rác.

“Con trai, sao con không lên ở với cô? Cô dạy con nấu cháo, dạy con cách sống không có Ajinomoto, healthy và ổn định. Chứ dăm ba cái thằng nghiện mì tôm này có ra cái gì đâu, nó chỉ đang lợi dụng con để được ăn mì tôm thôi”.

Hoàng quay qua Nam Chính, ngập ngừng một chút, rồi gật đầu.

“Con đồng ý.”

Cái gật đầu đó, nghe cái “con đồng ý” đó, giống như lưỡi dao chọc vào lòng Nam Chính. Không phải vì hắn tiếc Hoàng. Mà vì hắn biết. Mọi sự chia rẽ lớn lao trên đời—tôn giáo, chiến tranh, triết học—đều bắt đầu từ những thứ nhỏ bé như một bữa trưa, một lời nói tưởng như vô hại.

Hắn húp tô mì tôm, cảm nhận được cái vị Ajinomoto lan xuống cổ họng như một cú đấm của quá khứ. Hắn biết, từ nay trở đi, giữa hắn và thằng em đã có một bức tường. Không phải bằng gạch. Mà bằng cháo canh và mì tôm.

Và chiến tranh sắp bắt đầu.

CHƯƠNG 2: HỘI CHỨNG CHÁO NGHỆ THUẬT VÀ SỰ HÌNH THÀNH CỦA GIÁO PHÁI MÌ TÔM

Hoàng dọn lên nhà Cô Như vào một chiều mưa phùn lấm tấm, như thể trời đất cũng đang rửa sạch những dư âm cũ của một thời ăn mì tôm và tin vào những điều nhảm nhí.

Căn nhà Cô Như nằm cuối con hẻm, tường vàng, mái tôn đỏ, mùi gừng và hành lá lúc nào cũng lởn vởn trong không khí. Cô Như dạy Hoàng cách hầm xương, cách phi hành mà không cháy, cách chọn loại cá lóc phải còn thở mới xứng đáng nằm trong tô cháo.

Ban đầu Hoàng còn chưa quen, nhưng rồi nó đắm chìm. Nó bắt đầu tin vào cháo. Tin như thể người ta tin vào Chúa, vào Allah, vào tình yêu đầu đời. Nó gọi cháo canh là nghệ thuật. Là sự chậm rãi của tâm hồn. Là thứ cứu rỗi thế giới đang chạy quá nhanh.

Nó bắt đầu viết những status dài dằng dặc trên Facebook. Những bài viết như:

“Mì tôm là ma túy của đại chúng. Cháo canh là thiền định của kẻ tỉnh thức.”

“Cháo canh là hơi thở. Mì tôm là tiếng hét của kẻ hoảng loạn.”

Nó tụ họp được một nhóm bạn cũng ghét mì tôm. Chúng mặc áo dài trắng, đầu trọc, tụng kinh về lợi ích của thực phẩm truyền thống. Chúng gọi mình là Hội Cháo Nghệ Thuật.

Trong khi đó, Nam Chính ở lại chỗ cũ. Hắn không nói gì về vụ Hoàng dọn đi. Chỉ ngày nào cũng ngồi ở quán ven đường, gọi mì tôm, không rau, không thịt, chỉ mì, gói Ajinomoto, và nước sôi.

Một hôm, một thằng sinh viên ngồi bàn bên lén nhìn hắn ăn, rồi thì thầm với bạn:

“Ghê thiệt. Hắn ăn như thể trong đó là vàng.”

Nam Chính ngước lên, mắt sáng như kẻ vừa khai mở một đạo lý.

“Bởi vì nó là vàng,” hắn nói. “Mì tôm là đỉnh cao của con người hiện đại. Nhanh. Gọn. Không cần ai nấu giúp. Không lệ thuộc vào ai cả. Mỗi sợi mì là một vũ khí. Một lời tuyên chiến với sự nô lệ.”

Từ hôm đó, hắn bắt đầu nói chuyện với nhiều kẻ kỳ lạ. Những gã chạy xe grab, những đứa trẻ từ quê lên thành phố kiếm sống, những số phận bụi đời. Ai cũng ăn mì tôm. Và ai cũng đang cùng mì tôm gồng mình lên để tồn tại.

Hắn thành lập một nhóm, không có tên, không có hình thức, chỉ có một câu châm ngôn được truyền miệng:

“Ta không cúi đầu trước cháo canh. Ta không chấp nhận khuôn mẫu. Mì tôm là bạn của ta. Và chúng ta sẽ cười đến khi chết.”

Và rồi… người ta bắt đầu gọi họ là những kẻ có Ý Chí của D.

Không ai biết chữ D là gì. Có đứa bảo là “Độc lập”. Có đứa bảo là “Điên”. Có kẻ nói là “Dứt khoát”, “Dấn thân”, hay “Đế vương.”

Nhưng chỉ một mình Nam Chính biết.

“Ý chí của D” tượng trưng cho tinh thần nổi dậy chống lại những hệ thống áp bức—dù đó là Chính quyền thế giới, các băng đảng ngân hàng, và thậm chí là định mệnh. Những kẻ mang ý chí của D thường mỉm cười trước cái chết, họ tôn sùng sự tự do, vui sống trong hiểm nguy, và thích chống lại những thứ giả tạo của xã hội.

Và cuộc chiến âm thầm đã bắt đầu từ đó. Một bên là cháo canh. Một bên là mì tôm. Một bên tin vào sự nhẹ nhàng. Một bên tin vào sự cứng rắn.

Một cuộc nội chiến không máu, nhưng có mồ hôi. Có nước mắt. Có những cái chết trong im lặng.

Và tất nhiên, sẽ có một kẻ thắng.

CHƯƠNG 3: NHỮNG KẺ MANG CHỮ D VÀ SỰ NỔI DẬY TRÊN VỈA HÈ

Tỉnh Quảng Bình bắt đầu thay đổi, lặng lẽ và từ từ, như một tô cháo canh bị quên trên bếp gas mở nhỏ suốt đêm.

Bọn Cháo Nghệ Thuật giờ đông như kiến, cứ chiều chiều lại tụ tập trong sân nhà Cô Như, ngồi xếp bằng tụng kinh như tụi giáo phái đầu trọc. Mỗi đứa mặc áo nâu, tay ôm tô cháo bánh canh, đọc to những câu thơ mà nghe xong là muốn ói.

“Cháo canh là mẹ. Cháo canh là cha. Cháo canh là nước mắt trong lòng chúng ta.”

Đúng là bọn hâm.

Còn Nam Chính thì không ca tụng gì cả. Hắn không rao giảng. Hắn chỉ ngồi im như tượng đá, hút thuốc và nhìn về phía tây mỗi chiều. Hắn sống như bụi đời, không phải vì hết lựa chọn mà vì hắn thích thế.

Tụi thích ý chí của D xuất hiện từng đứa một. Gã chạy xe ôm bị vợ bỏ. Cô gái bán vé số từng ăn cháo canh suốt ba năm nhưng vẫn đói. Gã giang hồ cũ từng ăn súp vi cá mập rồi bị gài bẫy đi tù vì tội ăn động vật quý hiếm.

Chúng đến với hắn như con người tìm lửa giữa đêm lạnh. Không cần hỏi. Không cần được chào đón. Chỉ cần một tô mì tôm, một cái nhìn thông cảm, là đủ.

Và chúng bắt đầu đổi đời.

Một đêm, ở bãi đất trống sau bãi tha ma cũ, Nam Chính đứng trên thùng xốp rách, nhìn đám đông trước mặt.

“Chúng nó nói mì tôm là rác rưởi,” hắn gằn giọng. “Chúng nó muốn ta ngoan, mềm, tan ra như cháo canh. Nhưng chúng nó quên… chúng ta là ai.”

“Chúng ta là gì?” ai đó hét lên.

“Chúng ta là D.”

“D là gì?”

Hắn rít một hơi thuốc, nhả khói như phun linh hồn vào mặt lũ thù nghịch.

“D là đỉnh cao của sự vĩ đại. D là thứ cuối cùng chúng ta còn lại trong thế giới toàn giả tạo này. D là nắm đấm. D là tiếng cười trước khi chết. D là… CHỐNG LẠI TẤT CẢ.”

Đám đông gào rú. Tụi nó gõ nồi mì, đập muỗng vào vỉa hè như quân phản loạn đập trống xông trận.

Tối đó, Cô Như bị ném một gói súp Hảo Hảo qua cửa sổ.

Nó không nổ. Nhưng nó để lại lời nhắn nguệch ngoạc bằng tương ớt:

“Tụi cháo canh bọn mày không thể nuốt cả thế giới. Hãy chuẩn bị cho chiến tranh tổng lực đi, lũ hề!”

Và kể từ hôm đó, người dân Quảng Bình chia làm hai phe rõ rệt. Một bên đi chợ mua cá lóc để nấu cháo canh. Một bên đi tạp hóa lấy mì tôm theo thùng.

Người ta bắt đầu nói thì thầm trong xó bếp.

“Nghe nói tụi mang ý chí của D có thể ăn mì tôm ba ngày không ngủ.”

“Nghe đồn thằng Nam Chính ăn mì tôm chua cay mà nước mắt không rơi.”

“Nghe đâu tụi nó đang lên kế hoạch. Một cuộc tổng tiến công.”

Còn Nam Chính thì vẫn ngồi hút thuốc, chậm rãi như thể thời gian phải đợi hắn châm lửa rồi mới dám trôi.

Hắn biết, sớm muộn gì, sẽ có một ngày hắn phải bước qua cánh cửa quán Cô Như.

Và lúc đó, không còn là cháo hay mì nữa.

Mà là một cuộc thanh lọc.

Một cuộc chiến của linh hồn.

CHƯƠNG 4: CUỘC CHIẾN ĐẦU TIÊN Ở CHỢ ĐỒNG HỚI

Mọi thứ bùng nổ vào một sáng thứ Ba, lúc 9 giờ 20 phút, tại sạp hàng số 420 khu chợ Đồng Hới – nơi từng chỉ bán nước mắm và dưa muối.

Bà bán hàng tên Sáu – vốn là người trung lập – hôm đó trót nói một câu sai lầm:
“Cháo canh ăn sáng tốt hơn mì tôm.”

Và chỉ vài giây sau, mặt bà Sáu bị úp nguyên một bịch nước Ajinomoto đỏ quạch. Mùi bột ngọt bốc lên như khí độc.

Cái thằng làm chuyện đó là Bé Rim – mới 17 tuổi, đã có hình xăm chữ “D” sau gáy và luôn mang theo bật lửa để nấu nước. Nó không giải thích. Nó chỉ đứng đó, gãi háng, nhổ nước bọt rồi nói:

“Ở đây không chấp nhận tuyên truyền rác rưởi.”

Thế là hỗn loạn.

Một bà cô phe Cháo nhảy vô tát Bé Rim, nhưng bị tụi có D chặn lại, chúng cầm muỗng inox như dao găm. Một cuộc ẩu đả bùng nổ giữa các bà nội trợ, các ông xe ba gác, và mấy thằng đầu xanh đỏ.

Không có ai chết, nhưng có một thằng bị đâm bằng cây đũa tre dài 35cm. Đâm xuyên luôn áo gió.

Và lúc đó, giữa cái khung cảnh mùi mắm ruốc trộn mùi máu và mùi mì, Nam Chính xuất hiện.

Hắn không bước vào. Hắn đi qua. Lặng lẽ. Nhưng mọi ánh mắt đều dán vào hắn như thể gã đàn ông đó chính là lý do thế giới đổ máu.

Hoàng cũng ở đó. Tay hắn đang đắp thuốc cho bà Sáu.

Họ nhìn nhau.

Không một lời.

Ánh mắt Hoàng đỏ hoe, có gì đó như sự thất vọng trộn lẫn nỗi đau.

Nam Chính chỉ nhếch môi. Một nụ cười của kẻ phản diện. Hắn không còn giận. Không còn buồn. Hắn hiểu Hoàng vẫn còn sống trong giấc mơ cháo canh, nơi không có Ajinomoto, không có nước sôi, và không có ý chí của D.

Nhưng thế giới này không như vậy.

Thế giới này là một tô mì tôm sắp nguội, ai ăn chậm thì chết đói.

Tối đó, trên Facebook, Hoàng đăng một bài dài gần ba nghìn chữ về sự bạo lực, về sự tha hóa của thế hệ trẻ, về nguy cơ mất đi lòng trắc ẩn vì mì tôm.

Bài đó được hơn 1.000 lượt chia sẻ.

Nhưng Nam Chính không quan tâm.

Hắn đang ở trong một căn phòng nhỏ, giữa ánh đèn vàng và tường dán đầy vỏ gói mì.

Trước mặt hắn là một bản đồ Quảng Bình.

Từng khu chợ, từng con hẻm, từng quán ăn sáng đều được đánh dấu.

Và kế hoạch đã bắt đầu.

Không chỉ là tuyên truyền.

Không chỉ là đập nồi cháo.

Mà là chiếm lĩnh.

Từng tô cháo sẽ bị thay thế.

Từng cái ram sẽ bị bẻ gãy.

Từng tiếng húp xì xụp sẽ phải im lặng.

Và bọn mang ý chí của D sẽ cười ngạo nghễ trên đống tro tàn của những kẻ tôn thờ cháo canh.

CHƯƠNG 5: CƠN MƯA MÌ TÔM VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA MỘT GÁNH CHÁO

Đêm đó trời mưa. Không phải kiểu mưa êm dịu làm người ta muốn ngủ. Mà là kiểu mưa chém thẳng vào mặt, như trời đang tát từng cái một vào những thằng sống giả tạo.

Cơn mưa tạt xiên qua Quảng Bình. Đường ngập. Lòng người ngập.

Và đúng 2 giờ sáng, gánh cháo truyền thống lâu đời nhất thị xã – quán “Cháo Bà Thêm” – bị bao vây bởi một nhóm khoảng 40 người. Không khẩu hiệu. Không trống kèn. Chỉ là mưa, áo mưa, và những cái đầu cúi thấp.

Bà Thêm vừa dọn hàng xong, bưng thau cá lóc ra thì thấy một gói mì rơi trước mặt. Gói thứ hai. Rồi thứ ba.

Rồi từng thằng từng đứa ném mì tôm như mưa bão xuống gánh cháo.

Mì văng vào nồi cháo, dính vào mái bạt, kẹt vô bánh xe gánh. Một cảnh tượng điên loạn, như thể mì tôm là đạn dược, là thông điệp, là ác mộng của đế chế cháo.

Một thằng trong nhóm rút cái loa nhỏ, bật lên bài nhạc remix của tiếng nước sôi và tiếng gói mì bị xé.

Rồi hắn hét:

“Mì Tôm Forever!”

Bà Thêm đứng chết lặng. Bà không khóc. Nhưng cháo của bà sủi bọt lạ thường – có thể là do mì tôm, có thể là do vị thần của những nồi cháo canh đang nổi giận.

Cô Như nghe tin, chạy đến. Cô ôm bà Thêm. Rồi nhìn vào đám người áo mưa, gào lên:

“Tụi bây là lũ cô hồn! Mì tôm có thể nuôi xác, nhưng cháo canh mới nuôi được trái tim!”

Một bóng đen bước ra từ cuối đám đông.

Nam Chính.

Áo thun đen ướt sũng, từng thớ cơ gân guốc hiện ra đe dọa bất cứ thằng nào nhìn đểu, thuốc lá tắt ngóm trên môi, hắn nhìn Cô Như – người từng cho hắn ăn cháo buổi đầu tiên, từng mắng hắn vì chọn mì chê cháo.

“Cô nhầm rồi,” hắn nói. “Cháo canh mới là thứ làm người ta tưởng mình đang sống. Mì tôm là sự thật. Sống là nhanh. Là tàn nhẫn. Là sống sót.”

Hoàng xuất hiện, chạy tới chắn giữa hai người.

“Dừng lại đi anh. Em biết anh giỏi. Em từng tôn trọng anh. Nhưng anh đang kéo mọi người xuống một cái hố không đáy.”

Nam Chính nhìn Hoàng. Cái nhìn không còn hận. Không còn trách.

Chỉ còn tiếc.

“Không, Hoàng. Tao đang dạy họ bơi.”

Hắn quay đi. Gió thổi áo hắn bay phấp phới như lá cờ tạm thời của một đế chế vừa khởi nghĩa.

Tối đó, “Cháo Bà Thêm” đóng cửa mãi mãi.

Sáng hôm sau, một tấm biển mới dựng lên trước quán:

“Mì Tôm Tái Sinh – Nhanh, Mạnh, Không Nhân Nhượng.”

Dưới đó, là dòng chữ nhỏ, nguệch ngoạc bằng bút lông đỏ:

“Chống cháo là nghĩa vụ. Ăn mì là bản sắc.”

Và người ta bắt đầu gọi Quảng Bình là Thành Phố Nước Sôi.

CHƯƠNG 6: NHỮNG KẺ CÒN GIỮ MUỖNG GỖ VÀ TẬP TRẬN DƯỚI BÓNG CÂY THỊ

Hoàng không bỏ chạy.

Sau đêm “Cháo Bà Thêm” sụp đổ, sau cả khi Cô Như ngã quỵ giữa đống nồi niêu tan nát, Hoàng vẫn không bỏ chạy. Hắn ở lại, lau nước mắt cho Cô Như, băng bó tay chân cho bà Thêm, và đốt hết mấy gói mì còn sót lại trên sân như thiêu xác kẻ phản bội.

Không còn Facebook nữa. Hoàng xóa hết.
Không còn triết lý cháo canh mềm như bún nữa. Giờ hắn là cháo sắt. Cháo gang. Cháo phản công. Cháo Napoleon. Cháo Thành Cát Tư Hãn. Cháo Alexander đại đế.

Hắn kéo về được vài người. Một cậu học sinh lớp 11 thích nấu cháo cho bà nội. Một cô giáo dạy văn ăn cháo mỗi sáng trước giờ lên lớp. Một chú thợ hồ từng nấu cháo tim heo trong bếp trọ cho đứa con gái bị sốt.

Họ không còn là những kẻ yêu cháo vì nó ngon.
Họ ăn cháo như uống máu, như tưởng nhớ một điều gì đó đã mất.

Họ lập căn cứ trong một cái đình bỏ hoang ở cuối xã Lộc Ninh. Mỗi chiều, họ tập phản xạ – dùng muỗng gỗ làm vũ khí, học cách hất đổ tô mì bằng một cú lắc tay. Hoàng dạy tụi nó cách nếm vị cháo bằng trực giác, cách phát hiện gói mì chín trong đống lương khô cứu trợ, cách phát hiện lũ mang ý chí của D đang ngụy trang.

Họ gọi mình là Liên Minh Cháo.
Slogan: “Mì tôm là đỉnh cao của sự ngu dốt”.

Trong khi đó, Nam Chính lại càng lớn mạnh.

Hắn không còn là một tên phản kháng.
Hắn là một nhà chiến lược.
Một tổng chỉ huy ngầm của đế quốc mì chín.

Mỗi tối, hắn ngồi trong quán cà phê cũ ven biển, tường treo đầy bản đồ, sàn nhà rải vỏ mì như chiến tích. Tụi đàn em thì thầm gọi hắn là Thống Soái Sợi Mì.

Một đêm nọ, hắn cho gọi Bé Rim, Bé Hảo, và Ba Nhú – ba đứa thân cận nhất.

“Giờ đã đến lúc. Ta không chỉ chiếm từng quán ăn. Mà ta phải chiếm cả tâm trí. Phải biến mì chín thành bản sắc, thành tôn giáo. Tao muốn… một cái app.”

“App?” – Bé Rim ngớ ra.

“App đặt mì, giao trong 3 phút. Kèm tư tưởng. Mỗi đơn hàng sẽ có một trích dẫn. Ví dụ: ‘Sợi mì là đường đến tự do.’ Hay ‘Ăn cháo là nô lệ hóa chính mình.’”

Tụi nó há hốc mồm. Gật đầu như sấm sét vừa nổ trong não.

Cùng lúc đó, tại đình Lộc Ninh, Hoàng đang rút một tờ giấy ra. Trên đó vẽ một hình tròn. Trong làn sương mù bốc lên từ nồi cháo, hắn chỉ tay:

“Đây là chợ Ga. Đây là trường Lê Quý Đôn. Đây là quán Cây Si – tụi nó vừa cướp được tuần trước. Nhưng…”

Hắn đấm mạnh xuống bàn.

“Chúng ta sẽ lấy lại. Bằng cách cũ. Không bạo lực. Không súp. Chỉ có cháo – và sự tử tế.”

Mọi người im lặng. Không ai tin có thể thắng nổi.

Nhưng trong mắt Hoàng, ánh lên thứ ánh sáng cũ. Giống cái ngày nó nói:

“Anh, đừng ăn mì nữa. Nó không phải là cứu rỗi.”

Và cơn bão mới đang dần hình thành.

Một bên là mì – nhanh, gọn, mạnh mẽ, như chiến tranh hiện đại.
Một bên là cháo – chậm, âm ỉ, dai dẳng như một bản nhạc buồn kéo dài đến chết.

Và ở giữa là Quảng Bình.

Một mảnh đất không còn chỉ có nắng gió và cát trắng.

Mà là chiến trường của một trận chiến lịch sử.

CHƯƠNG 7: ĐẠI HỘI MÌ CHÍN TOÀN QUỐC VÀ BÀI DIỄN VĂN KHIẾN CẢ NƯỚC CỨNG HỌNG

Một tháng sau vụ cháo kháng chiến ở Lộc Ninh, Nam Chính cho tổ chức một sự kiện chưa từng có trong lịch sử ẩm thực Việt Nam – Đại Hội Mì Chín Toàn Quốc, diễn ra tại quảng trường Bảo Ninh.

Hắn thuê toàn bộ dàn tiktoker Quảng Bình như Lang Thang Quảng Bình, Quảng Bình Ơi,… để pr cho sự kiện.

Bên trái là dàn loa JBL dựng cao như tường thành. Bên phải là hàng nghìn người mang áo đỏ, đội nón có hình sợi mì, tay cầm quạt máy mini và biểu ngữ:

“Mì chín – là ý chí, là không lùi bước.”
“Sugar Sugar Double Ajinomoto – Đường Đường Chính Chính”

Trên khán đài là Nam Chính – đứng sừng sững như một Nhà Tiên Tri trên đống đổ nát của nhân loại. Đằng sau hắn là lá cờ đỏ rực, ở giữa không phải ngôi sao, mà là một tô mì khói nghi ngút.

Bé Rim trao mic.

Hắn không cần nhìn giấy.

“Chúng ta đã sống quá lâu trong những thứ nửa nạc nửa mỡ. Những tô cháo trộn đạo đức giả, những lời ru ngủ mềm mại như keo rau củ kera… Và cái giá phải trả là gì? Là sự yếu đuối, là sự trì trệ, là những thế hệ chỉ biết nói ’em sợ, em ngại, em không chắc nữa anh ơi’.”

Hắn bước lên phía trước, mắt quét qua đám đông như cái liếc của một vị thần chiến tranh.

“Mì chín không cần ai an ủi. Nó không cần thời gian để thấm. Nó chỉ cần nước sôi. Và nó đứng dậy. Nó hiện hình. Nó là chính nó. Và chỉ cần nó là đủ.”

Tiếng vỗ tay rầm rầm. Những tiếng hô “Ý Chí Của D!” vang lên như bão biển.

“Từ hôm nay, chúng ta không còn là kẻ ăn mì. Chúng ta là người đưa mì đi khắp đất nước. Tới từng quán cơm. Từng bệnh viện. Từng trường học. Tới biên giới. Tới hải đảo. Tới cả những nơi mà người ta còn đờ đẫn buồn ngủ sau khi ăn cháo!”

Một quả pháo sáng bắn lên trời, nổ ra hình một sợi mì vắt ngang mặt trăng.

Trong lúc đó, ở một góc quán cà phê tàn, Hoàng ngồi xem livestream bằng điện thoại cùi. Màn hình rạn nứt như chính tinh thần của hắn.

Cô Như ngồi cạnh, rót chén trà.

“Có lẽ con nên bỏ cuộc,” bà nói, giọng khản đặc sau nhiều đêm thức nấu cháo tiếp tế cho kháng chiến.

Hoàng lắc đầu, ánh mắt cháy âm ỉ.

“Không. Nếu giờ tụi con không làm gì, một ngày nào đó trẻ con sẽ không biết cháo là gì. Người ta sẽ nhìn tô cháo như một trò hề.”

Hắn đứng dậy. Vẫn mặc cái áo Manchester United cũ, thân hình đồ sộ 1m87, chân vẫn đi dép mòn, nhưng kèm với đó là khí chất của một vị tướng.

“Cô nấu cho con một nồi cháo cá lóc. Mai tụi con lên trường Lê Quý Đôn. Phát miễn phí cho học sinh.”

“Phát xong rồi thì sao?” – Cô Như hỏi, giọng gần như tuyệt vọng.

Hoàng nhìn xa xăm, gió thổi rối cả mái tóc dài vuốt ngược giống Eren Yeager đã lâu chưa cắt.

“Rồi tụi nó sẽ nhớ. Chỉ cần một đứa nhớ cháo. Một đứa thôi, là đủ.”

Và sáng hôm sau, trước cổng trường, một hàng dài học sinh xếp hàng.

Không vì cái bụng. Mà vì cái mùi.

Cái mùi cháo nấu bằng lửa thật. Bằng tay người thật. Không Đường. Không Ajimono.

Và không khí của Quảng Bình bắt đầu có một sự thay đổi nhỏ.

Một vết rạn nhỏ trong đế chế mì chín của Nam Chính.

CHƯƠNG 8: MỘT TÔ CHÁO LÀM RẠN CẢ BỨC TƯỜNG MÌ

Tin lan nhanh như cơn gió rít qua những mái nhà tôn – “Tụi Liên Minh Cháo đang phát cháo miễn phí ở trường Lê Quý Đôn!”

Sáng đó trời âm u, không mưa nhưng cũng chẳng nắng, như thể ông trời cũng đang phân vân giữa việc ăn cháo hay mì.

Hoàng đứng trước cổng trường, mặc áo Manchester United đỏ đã ngả màu mồ hôi, tay cầm vá lớn, khuấy đều nồi cháo bốc khói. Cô Như đứng sau, bưng từng tô ra bàn xếp. Không có tờ rơi, không có loa kéo, chỉ có mùi thơm và những ánh mắt biết ơn.

Học sinh ban đầu còn ngó nghiêng, khúc mắc.

“Cháo á? Không phải ăn mì sẽ đẳng cấp vip pro hơn sao?”
“Cái này có topping không ạ?”
“Có Ajinomoto không anh?”

Hoàng không nói gì. Chỉ múc, đưa tận tay, mỉm cười. Một thằng nhóc lớp 8 ngồi ăn thử, xong gật gù:

“Ngon… giống cháo mẹ nấu khi em sốt.”

Chỉ một câu. Nhưng đủ làm cả cái sân trường lặng đi vài giây.

Rồi như phản xạ dây chuyền, tụi nhỏ xếp hàng. Từ mười đứa thành năm mươi. Từ năm mươi thành cả trăm. Thầy hiệu trưởng đứng ở hành lang nhìn xuống, không nói gì. Chỉ đứng đó, ngửi mùi cháo và chùi nước mắt.

Trong khi đó, ở quán trụ sở của Nam Chính, Bé Rim quát vào điện thoại:

“Có chuyện gì vậy? Trường đó đáng ra phải nằm trong vùng ảnh hưởng của chúng ta. Sao lại để bọn Liên Minh Cháo xen vào?”

Nam Chính không trả lời.

Hắn đang xem lại clip phát cháo bằng cái điện thoại Iphone 16 Pro Max 512GB, cổ tay hắn lấp lánh chiếc đồng hồ Rolex GMT Master 2 ‘Pepsi’, chúng là thành quả của biết bao nhiêu gói mì chín được bán ra thị trường.

Mặt hắn không biểu cảm. Hắn gõ nhẹ ngón tay lên bàn, từng nhịp một, như nhịp đếm cuối cùng của một bản án tử.

“Đây không phải là sự thất bại,” hắn nói.

“Thế là gì, đại ca?” – Bé Hảo hỏi.

“Là một bài test của cuộc đời. Mì chín được tôn sùng ví nó là biểu tượng của sự hi sinh, của gồng mình vượt qua khó khăn và đau khổ. Giờ chúng ta sẽ cho cả tỉnh này thấy sức mạnh thật sự của D.”

Hắn đứng dậy.

“Triệu tập đội đặc nhiệm Sugar Sugar Double Ajinomoto. Đưa mì chín vào từng nhà. Không có nhờn nữa. Bọn nó phát 1 tô, chúng ta phát 10 gói.

Và đúng ba ngày sau, một app mới xuất hiện trên điện thoại mọi người: “MiZone – Mì Nhanh, Mì Chuẩn, Mì Lên Ngôi.”

Đặt một gói mì – nhận thêm 9 gói miễn phí, và một quote triết lý.
Mỗi gói mì có dán câu: “Kẻ mạnh là không ăn cháo.”
Người mua nhiều được tặng áo thun có hình vương miện làm từ sợi mì.

Người ta bắt đầu cười. Bắt đầu đăng ảnh ăn mì cùng caption:
“#TeamMì #KhôngĂnCháo #ÝChíCủaD”

Nhưng vẫn có vài đứa học sinh quay clip ăn cháo tại trường. Clip rung lắc, hình ảnh xấu tệ, nhưng thật.

Một đứa nói:
“Mì thì tiện. Nhưng cháo… cháo mới giống nhà.”

Clip được 39 share. Rồi 239. Rồi lên 3.000.

Trong lòng Nam Chính, lần đầu tiên có một cơn nhói nhẹ, như thể ai đó vừa ném một muỗng gỗ vào tim hắn.

Hắn nhắm mắt. Nhớ lại ngày đầu tiên, cái ngày trưa nắng Quảng Bình, hắn chỉ đơn giản gọi thêm vài gói mì, thế mà từ đó tạo nên một cuộc đại chiến.

Ngày xưa lúc hắn tha phương cầu thực ở Phú Thọ, hắn cũng từng thỉnh thoảng thèm tô cháo canh.

Chỉ là câu comment của Cô Như khiến hắn cáu, và phần còn lại là lịch sử…

CHƯƠNG 9: CÁI TÁT BẰNG MUỖNG GỖ VÀ LỜI THỨC TỈNH SAU CÙNG

Gió Lào về, khô khốc và nóng rát, quét qua từng mái nhà như bàn tay vô hình muốn lật tung cả tỉnh Quảng Bình.

Nam Chính ngồi một mình trên tầng thượng của trụ sở MiZone. Dưới kia là dòng người vẫn xếp hàng lấy mì miễn phí, mỗi gói đính kèm một câu triết lý. Hắn vừa hút thuốc, vừa nhìn xuống, nhưng đầu óc thì đang kẹt lại ở một clip cũ — cái clip rung lắc mờ tịt, có đứa học sinh nói:

“Mì thì tiện. Nhưng cháo… cháo mới giống nhà.”

Câu đó cứ lặp lại trong đầu hắn như một cơn đau đầu âm ỉ. Không phải vì nó xúc phạm, mà vì nó… cũng đúng.

Bé Rim chạy lên, hồ hởi:

“Đại ca! MiZone sắp được đưa lên chương trình khởi nghiệp quốc gia! Tụi cháo đang rút về hết rồi!”

Nam Chính không trả lời. Chỉ đặt điếu thuốc xuống mép tường, rồi nói:

“Ngày mai, tao sẽ đi.”

“Đi đâu?”

“Ra trường Lê Quý Đôn. Một mình.”

Bé Rim trợn mắt như gặp ma.

“Đại ca điên rồi hả? Bọn cháo sẽ làm gỏi anh mất!”

Nam Chính không quay đầu.

“Tao ngán gì mày. Tao thích gì thì tao làm cái đó. Ok baby?”

Sáng hôm sau, đúng 7 giờ 15, Nam Chính bước tới cổng trường.

Không quân, không lính. Không đám đông hò reo.

Chỉ hắn. Và trước mặt hắn là Hoàng.

Hoàng đứng đó, mặc áo Manchester United, muỗng gỗ cài ngang thắt lưng như kiếm của một ronin cuối cùng trong thế giới của những sợi mì.

“What are you doing here?” – Hoàng hỏi bằng English, giọng không giận, không vui. Chỉ hơi bố láo.

Nam Chính bước lại, giơ tay. Trong tay là một gói mì. Nhưng không còn nhãn. Không còn slogan. Chỉ là gói mì trần trụi, không Ajinomoto.

“Anh muốn thử cháo.”

Hoàng cười nhạt. “Anh ngồi đi”

Nam Chính đặt gói mì xuống bàn cháo, giữa những đứa học trò đang xì xụp.

Rồi hắn ngồi xuống. Không ghế, không khăn trải. Chỉ có cảm giác…yên bình.

Cô Như đi ra. Mắt bà rưng rưng. Tay run run múc cho hắn một tô cháo.

Không nói một lời.

Hắn ăn.

Từng muỗng chậm rãi, bộ phim của dòng thời gian chầm chậm hiện ra trong tâm trí hắn.

Mỗi một thìa cháo vào dạ dày lại khiến hắn nhớ về tuổi thơ cô độc: Hình ảnh của một thằng béo 12 tuổi, ngồi một mình trước máy tính, vừa ăn cháo bánh canh vừa đọc One Piece, ngây thơ vô số tội, với những ước mơ hão huyền vì chưa bị đời cho ăn vả.

Một muỗng. Rồi muỗng nữa.

Đến khi hắn ngẩng đầu lên, mắt đã đỏ hoe.

Hoàng đặt tay lên vai hắn.

“Bro u okay?” Hoàng lại tung English ra, vì ngày xưa hồi còn chơi với nhau hai thằng toàn nói chuyện bằng English.

Nam Chính cười. Nụ cười của thằng béo 12 tuổi. Không còn là vị thần chiến tranh.

Chỉ là một thằng bình thường, trở thành anh hùng nhờ thời thế và mấy sợi mì, giờ hắn biết mình đã đi quá xa. Nhưng không sao, vẫn còn đường về.

Tối đó, toàn bộ app MiZone bị gỡ. Từng gói mì trong hệ thống được dừng sản xuất. Các điểm phát mì im bặt như chưa từng tồn tại.

Bé Rim khóc. Bé Hảo ném áo chữ D vào đống lửa.

Và ở Lộc Ninh, các nồi cháo được đun suốt đêm.

Không để ăn.

Mà để nhớ rằng:

Cuộc đời này, cái gì cũng có thể xảy ra nhanh như một gói mì chín ăn liền. 

Nhưng.

Dễ đến thì dễ đi. 

Dục tốc thì bất đạt. 

Muốn vững chãi lâu dài thì không được đốt cháy giai đoan, mà phải lì, phải biết kiên nhẫn, như việc ngồi chờ một nồi cháo chín.

CHƯƠNG 10: KHÚC CA CHÁO MÀU XÁM VÀ NGÀY THỐNG NHẤT CUỐI CÙNG

Một tuần sau buổi sáng ấy, Quảng Bình yên đến lạ.

Không còn tiếng loa MiZone, không còn những cú ném mì từ bóng tối, không còn những dòng người đội nón sợi mì chạy rầm rập qua các khu phố như đoàn quân vội vã.

Thị xã trở về với những âm thanh xưa cũ: tiếng rao sáng của cô bán xôi, tiếng nước đun sôi trong các bếp nhà cấp bốn, tiếng muỗng khua nhẹ vào tô cháo lúc bình minh.

Nam Chính không xuất hiện công khai nữa. Người ta đồn hắn đã về quê, có người nói hắn đi tu, cũng có người bảo hắn đã trở thành một nhà văn.

Hoàng thì vẫn ở Lộc Ninh. Không còn Liên Minh Cháo. Hắn trở thành thầy giáo dạy nấu ăn bán thời gian cho học sinh. Buổi sáng nấu cháo, buổi chiều dạy tụi nhỏ cách nêm nếm bằng ký ức chứ không phải gói Ajinomoto.

Một lần, đứa nhỏ hỏi:
“Thầy Hoàng, thầy từng ăn mì chín không?”

Hoàng cười, gật.
“Thầy có. Và cũng thích nó. Nhưng cái gì nhiều quá cũng không tốt.”

Cô Như thì mở lại quán. Không lớn, không nhỏ. Chỉ vừa đủ 10 bàn. Nhưng hôm khai trương, người ta đến đông nghẹt. Có cả mấy gã từng mang ý chí D ngày xưa. Chúng ngồi im lặng, ăn cháo, không nói gì.

Họ không phản bội mì.

Họ chỉ… thèm cháo.

Và rồi một ngày, không ai hẹn ai, trên khắp tỉnh, những quán ăn treo bảng mới:

“Cháo – Mì Hòa Bình Xanh.”

Không phải là liên minh.

Mà là hòa bình.

Cái hòa bình lạ đời, nơi người ta ngồi cùng bàn, một đứa ăn mì, một đứa ăn cháo, nhưng không cãi nhau nữa. Không ai tẩy chay ai. Không ai đòi lật đổ ai. Không còn những câu slogan gào thét.

Chỉ còn tiếng húp.

Từng muỗng cháo. Từng sợi mì.

Và những ánh nhìn lặng lẽ biết rằng:

Chúng ta từng chiến tranh vì hai món ăn này. Nhưng cuối cùng thì tất cả cũng chỉ là góc nhìn chủ quan của mỗi người thôi.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top